Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Phim truyền hình Việt: bức tử phim Hàn và ... diệt vong

Đừng hỏi vì sao phim Việt dở khi nó có một quá trình phát triển "đột biến", thừa lượng thiếu chất đến đáng sợ như thế.

Những con số biết nói

Đầu tiên là phải nhắc đến một số chỉ tiêu mà nghe qua đã thấy choáng. Trong một buổi hội thảo về phim truyền hình, lần đầu tiên các chỉ tiêu này đã được chia sẻ khá rõ với báo chí. Chỉ tính ở hai đài truyền hình lớn là HTV và VTV thì con số này đã thuộc vào hàng khủng: VTV là 35% - 40%, HTV thì từ 41% - 43%, sau đó tăng lên 45% vào cuối năm 2010. Tương ứng với chỉ tiêu này là 1600 tập phim/năm với HTV và 1400 tập phim/năm đối với VTV, vậy tổng số tập phim cần phải có của cả 2 đài truyền hình lớn này là 3000 tập mỗi năm.

Tiếp tục lấy con số này chia cho 12 tháng và chúng ta lại có tiếp con số 250 tập phim/tháng, vị chi trung bình mỗi ngày các khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức khoảng 8 - 9 tập/ngày trên hệ thống phát sóng của 2 đài truyền hình lớn này. Đó là chưa kể hiện nay, các đài truyền hình tỉnh như Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Dương cũng lao vào sản xuất phim truyền hình riêng của đài. Như vậy, con số 8 -9 tập/ngày chỉ là con số ít nhất có thể chứ không phải là con số chính xác với số liệu thực tế.


Bộ phim gần đây nhất đang bị khán giả phàn nàn nhiều

Rõ ràng, khán giả Việt Nam đang rơi vào giai đoạn vàng "được lựa chọn" phim để xem chứ không còn cơn khát "có phim nào xem phim đó" như trước đây đã từng. Lẽ dĩ nhiên, khi có quá nhiều phim được phát sóng, khán giả có nhiều sự lựa chọn thì mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt để tranh giành "rating" (độ đo sức hút của phim). Theo đó cả chất lượng và số lượng phim cũng sẽ được tăng lên đáng kể theo đúng biểu đồ tăng trưởng. Điều đáng nói là cả 2 yếu tố chất lượng và số lượng đều sẽ được phát triển song song cùng với nhau. Nhưng, đó chỉ là trên lý thuyết và là niềm mơ ước của khán giả Việt Nam.

"Đá văng" sóng phim Hàn.

Một dạo, khi làn sóng phim nước ngoài Hàn Quốc tràn vào Việt Nam, khán giả hào hứng tiếp đón hơn cả sự mong đợi của nhà đài. Kết quả là người người xem phim Hàn, đài đài chiếu phim Hàn. Các nhà làm phim Việt dư sức biết được sở dĩ phim Hàn làm được điều này là vì khán giả Việt đang cơn "khát" phim truyền hình. ( Giai đoạn này, phim truyền hình Việt vẫn có nhưng ở mức độ ít nhưng "ra bộ nào , chắc bộ đó". ) Nhưng, khi cái gì nhiều quá thì sẽ bị soi và báo chí bắt đầu đặt ra câu hỏi "phim Hàn nhiều quá, phim Việt đâu mất rồi?".


Tóc Rối thì rơi vào tình trạng bị khán giả đánh giá "trước khen, sau chê"

Lòng tự ái trỗi lên "tại sao lại để phim Hàn và văn hóa Hàn ảnh hưởng đến khán giả trong khi chúng ta có lợi thế sân nhà, tại sao người Việt không xem phim Việt mà cứ phải xem phim Hàn?Tại sao không kéo khán giả về với phim Việt?" Và hàng loạt câu hỏi tại sao khác được đặt ra với các nhà làm phim.

Thế là phim truyền hình Việt dậy sóng và ra đời một cách ồ ạt theo kiểu dùng "số lượng" đè chết phim Hàn.  Thêm vào đó, một số phim truyền hình Việt lại gây được dấu ấn với khán giả
trước đó đã củng cố thêm niềm tin của những nhà làm phim Việt. Phim truyền hình Việt Nam đã thành công một cách ngoạn mục khi bức tử (tạm gọi là thế) được dòng phim Hàn trên sóng truyền hình với sự trợ giúp của nhà đài. Bây giờ, bật tivi là thấy phim Việt, tắt tivi cũng là lúc phim Việt đang dở dang. Nhiều khán giả đã từng "hốt hoảng" khi cầm rờ-mốt chuyển kênh cả chục lần mà vẫn thấy toàn phim Việt.


Đi đâu cũng thấy phim Việt, muốn xem phim phim Hàn (và các phim nước ngoài khác) chỉ còn biết xem vào các múi giờ "không vàng" hoặc các kênh truyền hình cáp. Những tưởng, khán giả Việt sẽ hoan hỉ vui mừng vì điều này, nhưng không - trái lại là đằng khác. Bây giờ, phim truyền hình Việt đang dần trở thành "nỗi kinh hoàng mang tên giờ vàng". Không phải một mà là hàng loạt phim Việt đang gây thất vọng lớn với công chúng. Không phải là vì nội dung, vì diễn viên, vì kịch bản, ... mà là toàn bộ, như một khán giả đã từng nói là "dở toàn tập và vô đối". Thực tế, phim Việt đang đi ngược với quy luật phát triển và rơi vào thảm cảnh "phát triển ngược" khi chỉ chăm chăm vào số lượng mà quên đi chất lượng của phim.

Tại sao phim Việt không thể phát triển theo đúng quy luật? Do không có sự chuẩn bị để phát triển.

Thử nghĩ xem, phim truyền hình Việt bắt đầu phát triển từ khi nào? Năm 1997, Giã Từ Dĩ Vãng, Đồng Tiền Xương Máu ... chính thức đánh dấu sự trở lại của phim truyền hình Việt với dấu ấn khó phai trong lòng khán giả. Cuối 2007, phim Việt bắt đầu "nở rộ" trong sự lo lắng của nhiều người - trong đó có giới chuyên môn. Từ giai đoạn "trở lại" đến giai đoạn "cao trào" là khoảng hơn 10 năm.

Chừng đó thời gian đủ để cho ra đời các đạo diễn, diễn viên, biên kịch, tác giả lành nghề trong khi giai đoạn này không chỉ phim truyền hình mà cả phim điện ảnh cũng đang trong giai đoạn chẫp chững bước đi? Một lỗ hổng về nhân lực cực lớn mà không phải ai cũng thấy được. Đơn giản là vì bề nổi bên ngoài đã che mắt tất cả: khán giả đang bắt đầu hào hứng với phim Việt. Từ diễn viên, đạo diễn cho đến kịch bản phim đều bị thiếu hụt một cách nghiêm trọng. Cho nên mới dẫn đến tình trạng ai cũng có thể làm diễn viên, ai cũng có thể làm đạo diễn và ai cũng có thể viết kịch bản. Và chuyện phim ... dở là đương nhiên.


Một trong những phim hiếm hoi nhận được lời khen của khán giả

Đừng hỏi vì sao phim Việt dở khi nó có một quá trình phát triển "đột biến", thừa lượng thiếu chất đến đáng sợ như thế. TVB (hãng phim truyền hình lớn của Hồng Kông có nhiều phim được yêu thích tại Việt Nam qua thị trường băng đĩa) đã có một lịch sử đến hơn 40 năm làm phim truyền hình  với một đội ngũ đạo diễn, diễn viên, kịch bản mà phải tốn rất nhiều thời gian và công sức họ mới xây dựng được nhưng cũng chỉ dừng ở mức 20 - 30 phim một năm, trong khi Việt Nam chỉ mới chập chững hơn 10 năm mà số lượng phim cho một năm tính ra còn "khủng" hơn rất nhiều (3000 tập/năm, nếu như 1 bộ phim dài 50 tập thì cũng đã 60 bộ/năm). Và lỗ hổng nhân lực đã chính thức giết chết chất lượng phim truyền hình Việt trong khi số lượng thì cứ ngày một tăng lên

Phát triển như thế này thì thà rằng đừng phát triển, thà rằng lâu lâu khán giả Việt mới có một bộ phim hay ho để xem, còn hơn là ngày ngày phải tắt tivi và làm cái khác vào "giờ vàng". Sự phát triển như hiện nay sẽ gọi là sự phát triển dẫn đến sự diệt vong chứ không phải là dẫn đến sự hưng thịnh như khán giả hằng mong đợi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét